Chiều ngày 30/6/2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, bày tỏ mong muốn các nhà khoa học Việt ở nước ngoài góp sức phát triển đất nước.
(Ông Nguyễn Quang Phước, Chủ tịch mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam)
Ông Nguyễn Quang Phước, Chủ tịch mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết mạng lưới có 89 thành viên là nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại các trường đại học, tập đoàn Hàn Quốc, mong muốn được hỗ trợ khoa học công nghệ cho nước nhà. “Chúng tôi muốn hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo, cố vấn doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp tại Hàn Quốc”, ông nói.
Đại diện mạng lưới, TS Nguyễn Thành Tiến cho rằng Việt Nam cần học hỏi Hàn Quốc về thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường xây dựng chính sách thúc đẩy nghiên cứu giữa nhà khoa học trong nước và nhóm trí thức, nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài.
GS Phạm Đình Lâm cũng đồng tình thiết lập cơ chế nhà khoa học Việt ở khắp nơi trên thế giới cùng tham gia nghiên cứu để giải quyết các vấn đề ở trong nước. “Tôi đề xuất xây dựng cổng nghiên cứu sáng tạo quốc gia. Khi các vấn đề của đoàn hội đưa lên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sẽ cùng lựa chọn để tìm cách giải quyết, với sự động viên, khuyến khích của chính phủ”, GS Lâm đề xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông rất mong mỏi tri thức, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài góp sức xây dựng đất nước và đề nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nói rõ hơn nội dung này.
(Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc)
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết Bộ đang đề nghị xây dựng nghị định riêng về đổi mới sáng tạo, cũng như rà soát các vướng mắc, khó khăn trong ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.
“Chúng tôi đang sửa luật Khoa học Công nghệ theo hướng phải chấp nhận rủi ro và có độ trễ trong nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu có thể thành công hoặc thất bại, không thể ứng dụng ngay lập tức mà có thể cần thời gian”, ông nói, cho biết luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi theo hướng giao cho đơn vị chủ trì, nhà khoa học nghiên cứu để thúc đẩy thương mại hóa.
Ngoài kinh phí thường xuyên của Nhà nước bố trí hàng năm cho nhà khoa học, Việt Nam còn có quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ các nhóm nghiên cứu. Bộ hướng tới xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh để họ hợp tác với các nhóm nghiên cứu tương ứng ở nước ngoài.
Chính phủ đã phê duyệt Đề án 2395 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Kinh phí sẽ được cấp cho các nhóm nghiên cứu cả trong và ngoài nước để cùng tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề thực tiễn.
“Chúng tôi đang gửi thông tin về các trường để xây dựng nhóm nghiên cứu. Tôi rất muốn được kết nối với các nhà khoa học ở nước ngoài để phát triển công nghệ cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Quan điểm này đã được cụ thể hóa trong rất nhiều luật, gần đây nhất là các luật về đất đai, bất động sản, các tổ chức tín dụng… để tạo thuận lợi cho kiều bào về nước, đóng góp cho đất nước.
Theo Vnexpress